Thấp tim ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị
Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Văn Bàng, TS. Lê Ngọc Lan,
Đặng Thị Hải Vân, BSNT. Nguyễn Thị Hải Anh, ThS. Lê Trọng Tú
Bài viết Thấp tim ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị trích trong chương 7 sách Bài giảng Nhi khoa (tập 2) – Bộ môn Nhi – Trường Đại học Y Hà Nội
Mục tiêu học tập
- Trình bày được nguyên nhân và sinh lý bệnh thấp m.
- Trình bày được các triệu chứng lâm sàng, kể tên các xét nghiệm và biện luận.
- Nêu được tiêu chuẩn Jones và vận dụng được tiêu chuẩn Jones chẩn thấp tim.
- Trình bày điều trị bệnh thấp tim.
- Trình bày mục đích và cách phòng thấp tim.
Thấp tim là bệnh lý tim mắc phải được biết đến từ thế kỷ 17. Đến năm 1761 đã phát hiện được các tổn thương van tim liên quan đến bệnh. Từ năm 1819, các triệu chứng chính trong thấp tim đã được mô tả và đến đầu thế kỷ 20 các nghiên cứu miễn dịch học đã khẳng định mối liên quan giữa viêm họng do liên cầu và bệnh.
Thấp tim được phân loại trong nhóm bệnh tổ chức liên kết hoặc bệnh tạo keo mạch máu. Đây là phản ứng quá mức của quá trình viêm thể hiện ở nhiều cơ quan: tim, khớp, hệ thần kinh trung ương và/hoặc da. Bệnh xuất hiện sau nhiễm khuẩn liên cầu nhóm A tan huyết kiểu β ở vùng hầu họng từ 2 đến 3 tuần. Tổn thương nặng nề nhất của bệnh là xơ hóa các van tim và tổ chức dưới van, gây rối loạn huyết động và bệnh van tim mạn tính, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Dịch tễ học
Nửa đầu thế kỷ 20, bệnh còn phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới. Tại Mỹ, trong những năm 1935 đến 1960 tần suất bệnh khoảng 40-65/100.000 người. Trong vài chục năm gần đây, bệnh giảm đi rõ rệt, hầu như không gặp ở các nước công nghiệp phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Trên thế giới, trong khoảng thời gian 1985 – 2005, thống kê cho thấy các khu vực mắc bệnh thấp tim cao nhất gồm châu Phi cận Sahara 5,7/1000, Thái Bình Dương và Australia và New Zealand 3,5/1000, vùng trung tâm Nam Á 2,2/1000. Ước chừng 2,4 triệu trẻ em lứa tuổi 5-14 tuổi bị bệnh thấp tim.
Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ mắc cao. Điều tra của Viện Nhi quốc gia vào những năm 1978 – 1981 tại một số vùng, tỷ lệ mắc thấp tim là 0,72 đến 0,94% và tỷ lệ này khác nhau tùy theo vùng địa lý và dân cư. Chương trình phòng thấp cấp 2 đã được ngành Nhi triển khai từ năm 1976, nhờ đó tỷ lệ mắc bệnh, mức độ nặng của bệnh, tỷ lệ tử vong do thấp tim ở trẻ em ngày càng có chiều hướng giảm. Thống kê năm 1993-1996 tại miền Bắc Việt Nam tỷ lệ lưu hành thấp tim ở trẻ em nói chung là 0,45%. Tại Hà Nội, theo nghiên cứu của Viện Tim mạch năm 1998, tỷ lệ lưu hành bệnh là 0,17% (trong đó nội thành 0,06%, còn ngoại thành 0,65%), tỷ lệ mới mắc là 3,1/100.000 người và chủ yếu là ở ngoại thành. Tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, tần suất thấp tim ở trẻ em từ 6 đen 15 tuổi là 0,24% (Hoàng Trọng Kim và cs). Bệnh có yếu tố xã hội: bệnh thường gặp ở những gia đình đông con, mức sống thấp, nhà ở chật, ẩm thấp. Những địa phương triển khai tốt chương trình phòng chống bệnh thấp tim và chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tỷ lệ mắc bệnh giảm rõ. Tỷ lệ mắc ở nông thôn cao hơn là 0,62%, trong khi ở thành phố là 0,41%; miền núi 0,2%.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp nhất ở trẻ em tuổi học đường từ 5 đến 15 tuổi. Trẻ dưới 5 tuổi rất ít mắc bệnh thấp tim. Tần suất mắc bệnh không phụ thuộc vào giới tính.
Có sự liên quan chặt chẽ giữa trẻ em bị bệnh thấp tim và các bệnh viêm đường mũi họng mạn tính. Do đó bệnh gặp nhiều hơn vào mùa lạnh ẩm.
Bệnh để lại hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện sớm và phòng bệnh đầy đủ. Di chứng van tim làm ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của người bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (1996), ước tính có 12 triệu người mắc bệnh, trên 2 triệu người cần tái nhập viện và trong vòng 20 năm tới có đến 1 triệu người cần phẫu thuật tim với hàng ngàn người tàn phế. Trên thế giới (1985-2005) ước tính có 233000 đến 492000 ca tử vong mỗi năm vì thấp tim, 95% trong số đó là ở các nước đang phát triển. Theo thống kê năm 1993 – 1996 ở miền Bắc Việt Nam, tại cộng đồng, tỷ lệ trẻ có di chứng van tim cao (0,28%), trong đó hở van 2 lá: 73%, hở hẹp van hai lá: 10%, hẹp van hai lá: 11%, hở hai lá và hở động mạch chủ: 6%.
BỆNH SINH VÀ SINH LÝ BỆNH
Liên cầu nhóm A tan huyết kiểu β
Bệnh thấp tim liên quan chặt chẽ tới viêm họng do liên cầu nhóm A tan huyết kiểu β (theo phân loại Lancefield) không được điều trị hoặc điều trị không đúng. Viêm họng do vi khuẩn này có thể xảy ra thành dịch nhỏ ở trường học hoặc khu dân cư đông. Thấp tim xuất hiện ở 3% số người mang VI khuẩn kéo dài sau khi khỏi bệnh trên 3 tuần, trong khi đó chỉ gặp ở 0,3% những người mang vi khuẩn dưới 3 tuần. Tuy nhiên liên cầu nhóm A tan huyết kiểu β cũng tồn tại trong vùng họng của 8,8% đến 12,3% trẻ em bình thường ở lứa tuổi đi học, nhưng hiệu giá kháng thể ASLO thấp dưới 200 đv Todd (Hoàng Trọng Kim và cs).
Hầu hết các chủng của liên cầu nhóm A tan huyết kiểu β đều có thể gây bệnh thấp tim. Vỏ của vi khuân có 3 thành phần chính. Thành phần cơ bản đầu tiên là peptidoglycan, tạo nên sự bên vững của vi khuẩn. Thành phần thứ hai là polysaccharid, đây là cấu trúc hoá miễn dịch của vi khuẩn đặc trưng cho những typ huyết thanh khác nhau. Carbohydrat nàỵ tương đôi giống glycoprotein hiện diện ở tổ chức van 2 lá. Thành phần thứ 3 là dạng kết hợp của protein M, R và T, trong đó chủ yếu là protein M- typ kháng nguyên đặc hiệu của liên cầu nhóm A, có khả năng chống thực bào. Có trên 130 loại protein M trong đó gây bệnh thấp tim thường liên quan đến protein M 1, 3, 5, 6, 14, 16, 18, 19, 24, 27 và 29 do protein này liên quan đến tổ chức tim ở người đặc biệt là protein màng và myosin cơ tim.
Liên cầu còn sản xuất ra một số enzym ngoại bào (streptolysin s và O), độc tố gây hồng ban.
Xem đầy đủ tại: https://nhathuocngocanh.com/thap-tim-o-tre-em-nguyen-nhan-trieu-chung-chan-doan-dieu-tri
Nhận xét
Đăng nhận xét