Mặt nạ: Thành phần, tác dụng, cách sử dụng hiệu quả
Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm
Bài viết Mặt nạ: Thành phần, tác dụng, cách sử dụng hiệu quả được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
CÁC ĐIỂM CHỐT
– Mặt nạ có thể được dùng như một chất làm sạch, tẩy tế bào chết, dưỡng ẩm hoặc biện pháp tăng cường hấp thu các chất vào trong da.
– Mặt nạ không quá cần thiết nhưng vì những lợi ích đặc trưng của nó mà hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi. Tác dụng của mặt nạ dựa vào thành phần có trong đó.
– Mặt nạ chia thành mặt nạ tấm với vai trò chủ yếu là cung cấp dưỡng ẩm, làm dịu da; mặt nạ rửa và mặt nạ lột chủ yếu để làm sạch, tẩy tế bào chết.
– Mặt nạ tấm dùng ngay sau bước làm sạch như rửa mặt, toner hoặc có thể sau bước serum để tăng cường hấp thu dưỡng chất. Mặt nạ lưu trên da 15-20 phút, tuần dùng 2-3 lần hoặc hơn tuỳ nhu cầu.
– Mặt nạ rửa và mặt nạ lột sử dụng ngay sau bước rửa mặt hay tẩy trang để làm sạch sâu hơn, tẩy tế bào chết, hỗ trợ điều trị trứng cá, lão hóa da. Loại này dùng tuần 1-2 lần để tránh ảnh hưởng tới da.
– Các loại mặt nạ tự chế ở nhà bản chất là mặt nạ rửa và mặt nạ lột, tùy thành phần có thể có các tác dụng khác nhau: dưỡng ẩm, hỗ trợ điều trị trứng cá, lão hóa da…
1. ĐỊNH NGHĨA
Mặt nạ là một sản phẩm thiết kế đặc biệt cho việc chăm sóc da, trong đó các hoạt chất được đưa vào trong mặt nạ, đắp lên mặt khoảng 15-20 phút rồi được loại bỏ ra khỏi da. Tác dụng chính của mặt nạ là dưỡng ẩm ngoài ra, tùy thuộc vào thành phần các chất có trong đó mà mặt nạ có thể có thêm một số tác dụng khác như làm sạch, tẩy tế bào chết…
Do thời gian lưu trên mặt không lâu nên các tác dụng này cũng chỉ có ở mức hạn chế. Như chúng ta biết, các tác dụng trên của mặt nạ có thể thay thế bằng một số phương pháp khác đơn giản hơn như sữa rửa mặt cho mục đích làm sạch mặt, kem dưỡng ẩm để giữ ẩm. Tuy nhiên, mặt nạ vẫn được sử dụng rộng rãi trong chăm sóc da bởi một số lợi thế nhất định: tạo cảm giác dễ chịu, giải toả stress khi dùng.
2. TÁC DỤNG CỦA MẶT NẠ
Tùy vào thành phần các chất chứa ở bên trong mà mặt nạ có thể có một số tác dụng nhất định:
- Dưỡng ẩm do trong mặt nạ có chứa các chất giữ ẩm.
- Làm sạch: trong thành phần của mặt nạ có các chất làm sạch như chất bề mặt, chất tẩy tế bào chết. Một số mặt nạ lột có chất hấp thu bụi bẩn, bã nhờn, sau khi lột ra có thể kéo theo lớp bụi bẩn này. Tuy nhiên, tác dụng lột của mặt nạ rất hạn chế không mạnh như các chế phẩm tẩy da chết.
- Giải căng thẳng: buổi tối đắp mặt nạ lạnh tạo cảm giác dễ chịu, khoan khoái cho người dùng.
- Điều trị: các thuốc có tác dụng điều trị có thể bổ sung vào trong mặt nạ để hỗ trợ điều trị một số bệnh như trứng cá, rám má…
3. THÀNH PHẦN CỦA MẶT NẠ
Các chất dưỡng ẩm có trong mặt nạ có thể là chất hút ẩm (glycerin, propylene glycol…), chất phục hồi hàng rào bảo vệ da như ceramide hoặc chất khóa ẩm như các loại chất béo có nguồn gốc từ động vật, thực vật hoặc dầu khoáng (các chất này có tác dụng tạo thành lớp màng trên da làm hạn chế sự thoát hơi nước của da).
Nhận xét
Đăng nhận xét